GMD – Tự tin đón sóng

30/06/2025

GMD – Tự tin đón sóng

GMD: Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng biển, logistics và vận tải hàng hóa, với hơn 35 năm phát triển song hành cùng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của nền kinh tế. GMD sở hữu hệ thống cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó nổi bật là cảng nước sâu Gemalink – một trong số ít cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu mẹ Megaship. Bên cạnh vai trò là nhà khai thác cảng container quy mô lớn, Gemadept còn cung cấp chuỗi dịch vụ logistics toàn diện, bao gồm quản lý đội tàu và các dịch vụ hỗ trợ, tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững trong ngành hàng hải.

Cơ cấu tổng doanh thu cho thấy doanh thu từ hoạt động khai thác cảng chiếm tỷ trọng áp đảo, gần 90% tổng doanh thu trong năm hiện tại, so với các mảng khác như logistics hay cho thuê văn phòng. Điều này khẳng định hoạt động khai thác cảng là trụ cột cốt lõi trong mô hình kinh doanh của GMD, và cũng chính là biến số chiến lược cần tập trung phân tích sâu để định giá và đánh giá triển vọng doanh nghiệp. Việc phân tích hiệu quả kinh doanh của GMD vì vậy cần dựa trên các yếu tố đặc thù của ngành cảng biển, bao gồm (1) vị trí chiến lược của hệ thống cảng trong mạng lưới logistics nội địa và quốc tế (2) mức phí xếp dỡ và biên lợi nhuận gộp từ từng khu vực cảng (3) mối quan hệ và năng lực đàm phán với các hãng tàu lớn, yếu tố quyết định lưu lượng hàng hóa và công suất khai thác ổn định. Đây là các yếu tố sẽ định hình lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn của GMD trong bối cảnh ngành đang bước vào chu kỳ hồi phục hậu COVID-19.

Tham gia cộng đồng GinLabs nhận khuyến nghị MIỄN PHÍ

Vị thế của GMD

Xét về công suất cảng thì GMD cũng thuộc một trong những doanh nghiệp có công suất cao cả nước, hiện Gemadept (GMD) chiếm tới 15.1% tổng công suất cảng của các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đứng ở vị trí thứ ba chỉ sau Tân Cảng Sài Gòn và VIMC. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, Tân Cảng Sài Gòn không lên sàn chứng khoán, và VIMC có thanh khoản rất thấp, nên xét về mặt công suất có thể giao dịch và sức ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, GMD chính là “ông trùm” thực sự trong ngành cảng biển niêm yết.

Vị trí cảng

Đầu tiên phải nói đến một trong những cảng quan trọng của GMD là cảng Nam Đình Vũ. Cảng Nam Đình Vũ của GMD sở hữu lợi thế vượt trội về vị trí khi nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, điểm gần biển nhất trong hệ thống cảng Hải Phòng, giúp rút ngắn thời gian hành trình và tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Cảng còn nằm trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ, cho phép kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp trọng điểm và hệ thống giao thông liên vùng. Với khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 48.000 DWT, Nam Đình Vũ đáp ứng tốt các tuyến vận tải nội Á và tàu feeder. Hiện tại, GMD đang đẩy mạnh tiến độ triển khai giai đoạn 3 của dự án, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, qua đó nâng tổng công suất khai thác lên gần 2 triệu TEU mỗi năm. Khi hoàn thành, cụm cảng này sẽ có 7 cầu tàu với chiều dài gần 1.700 mét, trở thành cảng sông lớn nhất miền Bắc, đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn, đồng thời gia tăng đáng kể lợi thế cạnh tranh so với cụm cảng Lạch Huyện.

 

Cảng Gemalink của GMD sở hữu vị trí chiến lược tại cửa sông Thị Vải – Cái Mép, nằm ngay trên tuyến hàng hải quốc tế có mớn nước sâu, cho phép tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến 200.000 DWT. Đáng chú ý hơn nữa Gemalink là một cảng nước sâu hiếm hoi có thể đón tàu Megaship, loại siêu tàu container lớn nhất thế giới. Đây còn là một trong số ít các cảng tại Việt Nam có khả năng kết nối trực tiếp với các tuyến vận tải xuyên Thái Bình Dương và châu Âu mà không cần trung chuyển qua các cảng trong khu vực. Ngoài ra, Gemalink còn có hệ thống bến chuyên dụng cho tàu feeder, giúp kết nối hiệu quả với các cảng nội địa như Hải Phòng, Đà Nẵng, và các thị trường khu vực như Thái Lan, Philippines, Campuchia. Hợp tác chiến lược giữa GMD và hãng tàu CMA CGM mang lại lợi thế lớn về nguồn hàng ổn định và uy tín quốc tế. Hiện tại, GMD đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của dự án Gemalink. Trong đó, Gemalink 2A dự kiến khởi công trong quý 3/2025, còn Gemalink 2B sẽ được triển khai ngay khi 2A đạt 70% công suất. Khi hoàn thành, toàn bộ giai đoạn 2 sẽ giúp Gemalink có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT – cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các vấn đề thuế quan và căng thẳng thương mại toàn cầu, tiến độ triển khai giai đoạn 2 có thể chậm hơn so với dự kiến. Đây vẫn là một dự án chủ lực giúp GMD củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế và đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu về khu vực Đông Nam Á.

Phí xếp dỡ

Với mức phí xếp dỡ tại các cảng nước sâu của Việt Nam hiện đang thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung khu vực – chỉ bằng khoảng một nửa so với Singapore, Hong Kong hay Indonesia – trong khi chất lượng hạ tầng và năng lực khai thác đã tương đương, thậm chí vượt trội, thì việc điều chỉnh tăng biểu phí là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Đặc biệt, tỷ lệ giữa phí xếp dỡ mà hãng tàu trả cho cảng so với mức thu từ khách hàng (THC) tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất khu vực, cho thấy dư địa tăng giá vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, GMD cùng các doanh nghiệp cảng đã đồng thuận đề xuất điều chỉnh tăng biểu phí xếp dỡ từ 10–15% đối với các cảng nước sâu và kỳ vọng việc điều chỉnh sẽ bắt đầu từ cuối quý 2/2025. Việc điều chỉnh này, nếu được thông qua, sẽ trực tiếp cải thiện biên lợi nhuận khai thác cảng và góp phần gia tăng đáng kể doanh thu của GMD trong các quý tới, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng hàng hóa qua cảng vẫn đang duy trì ở mức cao và có dấu hiệu tiếp tục tăng trưởng. Đây sẽ là động lực tài chính quan trọng giúp GMD nâng cao hiệu quả kinh doanh và củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành cảng biển.

Mối quan hệ với các hãng tàu

Một trong những lợi thế cạnh tranh cốt lõi của GMD nằm ở mối quan hệ chiến lược với các hãng tàu hàng đầu thế giới. Trong suốt hơn ba thập kỷ hoạt động, GMD đã xây dựng được mạng lưới đối tác vững mạnh với các hãng tàu lớn như Maersk, MSC, Evergreen, COSCO và đặc biệt là CMA CGM – đối tác đang nắm giữ 25% cổ phần tại cảng Gemalink. Chiến lược kinh doanh của GMD tại Gemalink không đơn thuần là khai thác cảng, mà là mô hình liên doanh hợp tác cùng các hãng tàu lớn nhằm phát triển lâu dài và chia sẻ lợi ích. Điều này không chỉ đảm bảo sản lượng thông qua ổn định, mà còn tạo tiền đề để thu hút các tuyến dịch vụ quốc tế trực tiếp, giảm phụ thuộc vào trung chuyển. Đáng chú ý, kể từ tháng 2/2025, liên minh Ocean – do CMA CGM dẫn dắt – đã trở thành liên minh tàu biển lớn nhất thế giới. Việc này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho cảng Gemalink, khi có thể trở thành điểm trung chuyển chiến lược của liên minh, đồng thời giúp GMD gia tăng đáng kể vị thế trong chuỗi cung ứng và hệ sinh thái logistics toàn cầu. Việc có mối quan hệ tốt với các hãng tàu cũng mang lại cơ hội về lượng tàu cập bến ổn định tại các cảng của GMD.

Tham gia cộng đồng GinLabs nhận khuyến nghị MIỄN PHÍ

Hoạt động kinh doanh

Doanh thu của GMD đạt mốc cao vào quý 4/2024 nhờ vào sự phục hồi của lượng hàng hóa container thông quan tại các cụm cảng của GMD từ mức nền thấp trong năm 2023. Sang quý 1/2025, doanh thu thuần vẫn duy trì ở mức cao với doanh thu 1217 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với quý trước, thể hiện sự ổn định và tiềm năng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ có phần giảm nhẹ, nhưng vẫn giữ ở mức đáng kể, chứng tỏ GMD tiếp tục duy trì phong độ vượt trội. Tổng thể doanh thu thuần cho thấy GMD đang trên đà phát triển mạnh mẽ và ổn định kèm với việc chu kỳ ngành đang vào giai đoạn tăng tốc với quý 4/2024 là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho quý 1/2025 giữ vững hiệu quả kinh doanh xuất sắc.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh duy trì ở mức dương ổn định trong nhiều quý gần đây, phản ánh khả năng sinh lời và thu hồi tiền mặt từ các hoạt động cốt lõi như khai thác cảng và vận tải biển một cách rất hiệu hiệu quả.

Song song đó, dòng tiền từ hoạt động đầu tư luôn ở mức âm do GMD liên tục đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics, tiêu biểu có việc mở rộng quy mô ở cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 khi dự án này đã bắt đầu thi công từ tháng 10/2024 và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2025, giúp công suất của cảng tăng lên khoảng 2.000.000 TEU, tương đương hơn 60% so với công suất ban đầu. Từ đó, giúp GMD tiếp tục khẳng định vị thế cảng sông lớn nhất trong khu vực, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các đối thủ khác.

Một điểm đáng chú ý khác trên biểu đồ lưu chuyển tiền đó là dòng tiền từ hoạt động tài chính biến động mạnh với lượng vốn huy động lớn trong quý 4/2024 qua việc  hoàn tất chào bán gần 103,5 triệu cổ phiếu, thu về khoảng 3.014 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 3.104,9 tỷ đồng lên 4.139,8 tỷ đồng giúp công ty có nguồn lực tài chính dồi dào để phục vụ các kế hoạch đầu tư và tái cấu trúc. Số tiền thu được từ đợt phát hành đó đã được GMD sử dụng cho các mục tiêu chiến lược như đầu tư vào tài sản cố định (2.213 tỷ đồng), trả nợ vay ngân hàng (hơn 230 tỷ đồng) và tăng vốn góp vào Công ty Cổ phần Cảng Nam Đình Vũ (558 tỷ đồng) để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát huy được thế mạnh vận chuyển Nội Á của mình, tránh ảnh hưởng phụ thuộc đến Mỹ

Thống kê cho thấy lượng hàng vận chuyển nội bộ trong khu vực châu Á đạt 42,7 triệu TEU, tức là cao hơn khoảng 1,55 lần so với khối lượng hàng hóa từ châu Á đến Bắc Mỹ (27,6 triệu TEU), cho thấy nội Á đang là thị trường vận tải biển năng động và giàu tiềm năng tăng trưởng. Với lợi thế là doanh nghiệp sở hữu mạng lưới cảng trải dài từ Bắc vào Nam Việt Nam và có sự hiện diện tại các thị trường khu vực như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Campuchia và Lào, Gemadept (GMD) đang nắm giữ thị phần đáng kể trong hoạt động vận chuyển nội Á. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh các tuyến vận tải nội khối ngày càng được ưu tiên nhằm giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian giao hàng và đặc biệt là giảm thiểu rủi ro từ các biến động địa chính trị hay chiến tranh thương mại toàn cầu. Việc tập trung vào thị trường nội Á giúp GMD phần nào tách khỏi ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố ngoại lai như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hoặc nguy cơ áp thuế đối ứng từ Mỹ, vốn có thể làm gián đoạn các tuyến xuất khẩu xuyên châu lục. Đồng thời, vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực càng củng cố vai trò trung chuyển của GMD, đặc biệt khi xu hướng dịch chuyển sản xuất về Đông Nam Á đang ngày càng rõ nét.

Tham gia cộng đồng GinLabs nhận khuyến nghị MIỄN PHÍ

Một trong những lợi thế chiến lược giúp Gemadept ít chịu tác động từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại chính là cơ cấu thị trường xuất khẩu đa dạng, với tỷ trọng vận tải đến Mỹ ở mức thấp. Cụ thể, tại cụm cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng), khu vực khai thác trọng điểm của GMD tại miền Bắc – hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng, phần lớn sản lượng còn lại phục vụ các tuyến nội Á. Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ ngày càng bất ổn, việc tập trung vào khu vực nội Á, nơi đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng nội khối giúp GMD duy trì sự ổn định hoạt động và tránh được các rủi ro từ biến động chính sách quốc tế.

Tương tự, tại cảng nước sâu Gemalink, đầu mối xuất khẩu lớn tại Cái Mép, tỷ trọng hàng hóa đi Mỹ cũng đang giảm mạnh, từ mức dưới 32% trong năm 2024 xuống chỉ còn khoảng 20% trong quý 2/2025, nhờ thành công trong việc mở thêm các tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil. Điều này không chỉ giúp GMD giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà còn mở rộng thị phần toàn cầu một cách linh hoạt. Đồng thời, trong khi luồng hàng xuất khẩu sang Mỹ chịu áp lực từ thuế quan, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ lại có tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt với các mặt hàng chiến lược như thiết bị công nghệ, năng lượng tái tạo, dược phẩm giúp tạo cơ hội để Gemalink tiếp tục tăng trưởng sản lượng ở chiều nhập khẩu.

Hưởng lợi từ giá cước tăng hiện nay

Trước lo ngại về việc giai đoạn giảm thuế kéo dài 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc sắp kết thúc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhằm tránh rủi ro phát sinh từ việc chi phí logistics và cước vận tải có thể tăng mạnh trở lại. Đồng thời, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại nhiều cảng lớn ở châu Âu, đặc biệt là khu vực Bắc Âu, đang có xu hướng lan rộng sang châu Á và Mỹ. Điều này làm kéo dài thời gian vận chuyển, làm tăng chi phí chuỗi cung ứng và gia tăng áp lực lên hệ thống logistics toàn cầu. Hệ quả là nhu cầu vận tải tăng đột biến trong khi năng lực đáp ứng bị giới hạn, khiến giá cước vận chuyển container ghi nhận mức tăng gấp đôi trong ngắn hạn và điều này đang giúp cho các cổ phiếu như GMD hưởng lợi rất nhiều

Một số yếu tố rủi ro

Mặc dù Gemadept đang sở hữu vị thế vững chắc trong ngành cảng biển và logistics, doanh nghiệp vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro đáng lưu ý. Trước hết, hoạt động xuất nhập khẩu vốn là động lực chính thúc đẩy sản lượng hàng hóa qua cảng có thể bị ảnh hưởng nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu hoặc trong nước thấp hơn kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn thương mại và cuộc chiến thuế quan có thể gây suy giảm nhu cầu toàn cầu. Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án mở rộng cảng là yếu tố then chốt trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của GMD, nếu bị chậm trễ do bất kỳ lý do gì hay biến động chi phí xây dựng, có thể ảnh hưởng đến khả năng nâng công suất và tận dụng cơ hội thị trường, từ đó làm suy giảm hiệu quả hoạt động trong tương lai.

Hữu Phước – GinLabs