Hòa Phát đã mở lại đủ 7 lò cao sản xuất thép tại Hải Dương và Dung Quất
Hòa Phát hiện đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), trong quý 4/2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 48% so với quý trước và tăng tới 249% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 16% và 19,4% so với mức thực hiện của năm trước.
Trong đó, lĩnh vực thép chiếm tỷ trọng lớn nhất, đóng góp lần lượt 94% và 92% cho doanh thu lợi nhuận sau thuế của nhà sản xuất này.
Cụ thể, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” đã cung cấp ra thị trường hơn 2,1 triệu tấn thép thô trong quý 4, tăng 30% so với quý trước đó. Riêng sản lượng tiêu thụ mặt hàng thép xây dựng trong giai đoạn này đạt 1,2 triệu tấn, thép cuộn cán nóng HRC đạt 813.000 tấn.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất được 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Nguồn: BCTC HPG
Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất được 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, mặc dù tổng sản lượng thép tiêu thụ năm 2023 thấp hơn so với năm trước nhưng về xu hướng, bức tranh kinh doanh thép của tập đoàn đã sáng dần lên khi sản lượng có xu hướng tăng trưởng qua từng quý và đạt mức tốt nhất vào quý 4/2023, ghi nhận ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường thép xây dựng, theo Hòa Phát, tín hiệu lạc quan đến từ những chính sách tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp này đã và đang tiếp tục đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khi mở rộng tới 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tổng sản lượng thép xuất khẩu tăng mạnh từ quý 2/2023 và tiếp tục tăng thêm trong quý 4 vừa qua.
Cơ cấu hàng tồn kho Hòa Phát
Hiện tại, sự lạc quan của thị trường thép trong quý 4/2023 đã được phản ánh vào cơ cấu hàng tồn kho của Hòa Phát khi tỷ trọng của thành phẩm tồn kho giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý 2/2022.
Vòng quay thành phẩm cũng giảm mạnh từ 53 ngày trong quý 3/2023 xuống chỉ còn 37 ngày trong quý 4, làm tổng thể vòng quay toàn bộ hàng tồn kho hạ xuống 106 ngày – mức tối ưu kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây.
Hòa Phát cho biết, hiện đã vận hành lại toàn bộ các lò cao của tất cả các khu liên hợp ở Dung Quất và Hải Dương, nguyên vật liệu cần chuẩn bị cho sản xuất vì thế cũng tăng lên tương ứng.
Với việc sản lượng tiêu thụ đã và đang dần được cải thiện, cả giá trị và tỷ trọng của nguyên vật liệu trong kho đều được tăng lên so với các quý trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết vòng quay nguyên vật liệu không quay trở lại mức trên dưới 3 tháng như năm 2021 mà vẫn tiếp tục thắt chặt ở mức 2 tháng (62 ngày).
Trước đó, Hòa Phát đã ngưng hoạt động 1 lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương trong tháng 10/2023 để bảo dưỡng, chuẩn bị cho các đợt sản xuất mới vào năm 2024.
Được biết, Khu liên hợp gang thép Hải Dương có 3 lò với tổng công suất là 2,5 triệu tấn/năm. Trong đó, lò cao mà nhà sản xuất thép này dừng hoạt động có công suất 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 14% tổng công suất toàn hệ thống.